Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu không ngừng thay đổi và công nghệ phát triển mạnh mẽ, Việt Nam đang tích cực thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Nghị quyết 57-NQ/TW đã xác định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt cho sự phát triển kinh tế - xã hội, mở ra hướng đi tất yếu cho các doanh nghiệp trong nước.
Đặc biệt, đối với lĩnh vực hạ tầng và xây dựng – nơi đòi hỏi công nghệ cao để đảm bảo chất lượng, tiến độ và tối ưu chi phí – việc làm chủ công nghệ không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao vị thế mà còn quyết định khả năng cạnh tranh trên thị trường.Khoa học công nghệ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xây dựng
Các doanh nghiệp xây dựng trong nước hiện phải đối mặt với áp lực cạnh tranh không chỉ từ các nhà thầu nước ngoài với công nghệ hiện đại, mà còn từ yêu cầu nội địa hóa ngày càng cao. Chính phủ đang thúc đẩy chiến lược tự chủ về công nghệ xây dựng, hạn chế nhập khẩu thiết bị và vật liệu, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển. Tuy nhiên, đây là một thách thức lớn do việc ứng dụng công nghệ mới đòi hỏi nguồn vốn đáng kể cùng sự kiên trì trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm và triển khai. Dù vậy, nhiều doanh nghiệp đã sớm nhận thức được xu hướng này và mạnh dạn đầu tư vào khoa học công nghệ để tạo dựng lợi thế cạnh tranh. Một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực này là Công ty Cổ phần FECON. Nhận thức rõ vai trò của công nghệ trong ngành Xây dựng hạ tầng, FECON xác định khoa học công nghệ là yếu tố cốt lõi trong chiến lược phát triển. Doanh nghiệp không ngừng đổi mới, áp dụng các giải pháp hiện đại nhằm nâng cao chất lượng công trình và tối ưu hóa hiệu quả thi công.Chuyển đổi số – nhân tố thúc đẩy sự phát triển bền vững
Song song với phát triển công nghệ thi công, FECON cũng đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số nhằm tối ưu hóa quá trình thiết kế, thi công và vận hành công trình. Doanh nghiệp đã ứng dụng BIM (Building Information Modeling) để mô phỏng công trình dưới dạng kỹ thuật số, giúp tối ưu thiết kế và giảm thiểu sai sót trong thi công. Dữ liệu điều kiện tự nhiên các khu vực trên toàn quốc cùng với các dữ liệu thu thập trong quá trình thi công cũng được Viện R&D FECON thu thập nhằm sẵn sàng cho ứng dụng AI vào thiết kế thi công, quan trắc và giám sát tình trạng thực của các công trình trong suốt quá trình khai thác & vận hành, giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý. Việc sử dụng vật liệu xanh và thông minh cũng là hướng đi quan trọng, giúp gia tăng tuổi thọ công trình và giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Những giải pháp này không chỉ nâng cao hiệu suất thi công mà còn tạo ra sự khác biệt trong cách tiếp cận công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam. Tiên phong trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ không chỉ giúp FECON nâng cao vị thế và sức cạnh tranh trên thị trường mà còn tạo động lực thúc đẩy sự phát triển chung của ngành Xây dựng nước nhà trong thời kỳ hội nhập sâu rộng với thế giới. Trước xu thế đổi mới sáng tạo & chuyển đổi số và sự gia tăng cạnh tranh trong lĩnh vực xây dựng, những doanh nghiệp dám đổi mới, dám đầu tư vào công nghệ sẽ có nhiều cơ hội khẳng định năng lực doanh nghiệp nội ngay trên sân nhà, đồng thời sẵn sàng vươn ra thị trường khu vực và thế giới. Từ câu chuyện của FECON, với chiến lược khoa học công nghệ bài bản, đang chứng minh rằng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa giúp doanh nghiệp Việt Nam tiến xa hơn, vững chắc hơn. (Theo Báo Xây dựng)
Bình luận